Để có thể thâm nhập và phát triển thị trường, ngoài vấn đề ủy quyền tiếp thị trên thị trường châu Âu, ngành công nghiệp thị nuôi cấy phải nhanh chóng tìm ra giải pháp giảm chi phí và tăng quy mô sản xuất. Trước khi trở thành một miếng thịt, các tế bào gốc cần axit amin, chất dinh dưỡng, đặc biệt là huyết thanh bào thai lấy từ các lò giết mổ vốn rất tốn kém và phi đạo đức để cung cấp chất dinh dưỡng và phát triển thịt. Đây đều là những mặt hàng rất đắt tiền, thách thức việc sản xuất thịt quy mô lớn
Đặt mục tiêu vượt qua rào cản này, công ty BioBetter – một đơn vị chuyên sản xuất môi trường nuôi cấy cần thiết cho các tế bào sinh sản để tạo ra thịt nhân tạo đã sử dụng cây thuốc lá làm "lò" phản ứng sinh học, tạo ra các yếu tố tăng trưởng phức tạp mà trước đó phải dùng một số chất tạo thành cấu trúc khung được chiết xuất từ động vật trong việc nuôi mô cơ.
BioBetter nhận thấy sự phát triển này có thể làm giảm đáng kể chi phí sản xuất thịt nhân tạo và đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa sản phẩm. Thịt nhân tạo cuối cùng có thể thay thế hoạt động chăn nuôi, giết mổ và phân phối các loại thịt thông thường – một trong những nhân tố chính tạo ra phát thải khí nhà kính và gia tăng tốc độ quá trình ấm lên toàn cầu.
(Ảnh: Victor Moussa – Tobacco Reporter)
Giám đốc điều hành của BioBetter, ông Amit Yaari, cho biết: “Sự gia tăng dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt sẽ gây ra áp lực đáng kinh ngạc đối với nguồn cung thực phẩm và hệ sinh thái vốn đã mong manh trong những thập kỷ tới. Thịt nhân tạo cung cấp một giải pháp đầy hứa hẹn cho những vấn đề này, đồng thời đảm bảo hình thành một chuỗi cung ứng linh hoạt với lợi nhuận kinh tế cao hơn và hiệu quả bảo vệ môi trường tốt hơn.”
Ngoài việc giải quyết những thách thức về môi trường, công trình này cũng sẽ tạo ra nguồn thu nhập mới cho những người nông dân trồng thuốc lá tại địa phương, những người đang chịu thua lỗ do lượng tiêu thụ thuốc lá giảm dần.
Huy động vốn thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm, BioBetter có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất vào năm 2023 và thương mại hóa yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ cây thuốc lá vào năm 2024.
(Trích nguồn: Tobacco Reporter)