Center-Life, một nhóm vận động hành lang ủng hộ việc siết chặt các quy định về thuốc lá ở Ukraine, trả lời phỏng vấn của The Telegraph rằng, thuế thu từ hai “ông lớn” Philip Morris International (PMI) và Japan Tobacco International (JTI) vào năm 2020 trở thành chi phí vận hành cho 700 máy bay trực thăng Mil Mi-24, 1.970 xe tăng T-72 và 382 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 của lực lượng quân đội Nga.
(Ảnh: RODWORKS – Tobacco Reporter)
“Không thể chấp nhận sai lầm nối tiếp sai lầm khi các công ty phương Tây này tiếp tục nộp những khoản tiền thuế khổng lồ vào kho bạc của Nga, bởi vì phần lớn chi tiêu của nhà nước Nga hiện nay là để tài trợ cho cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraine, nơi đang từng ngày chứng kiến thương vong của những người dân vô tội”, trích lời phát biểu của ông Bob Seely, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Sau cuộc xâm lược nổ ra vào ngày 24 tháng 2, nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tuyên bố sẽ sớm kết thúc hoạt động kinh doanh tại Nga, Nói thì dễ, làm mới khó. Không một thương gia nào thật sự mong muốn rời bỏ thị trường béo bở như Nga. Các công ty thuốc lá vô cùng thận trọng điều hướng những thay đổi trong quy định và tránh xảy ra sai lầm đáng tiếc khiến chính phủ có cớ thâu tóm doanh nghiệp — song song đó vẫn phải bằng mọi nỗ lực bảo vệ nhân viên không trở thành mục tiêu bị bắt giữ trong cuộc chiến.
Nga vẫn đang là thị trường thuốc lá lớn mạnh thứ tư trên thế giới. Trước khi chiến tranh bùng nổ, tập đoàn JTI dẫn đầu thị trường với 36,7% thị phần, tiếp theo là PMI (31,7%) và BAT (23,5%), theo khảo sát của ngân hàng đầu tư Cowen & Co.
(Trích nguồn: Tobacco Reporter và International Tax Review)