Cải tiến chuỗi giá trị thuốc lá đòi hỏi một nền tảng vững chắc từ ngành nông nghiệp thuốc lá.
Tại sao thuốc lá lại được sản xuất trên toàn thế giới, trong khi người dân luôn ý thức về những rủi ro sức khỏe khi sử dụng thuốc lá? Nếu có tồn tại một quan điểm duy nhất mà chính phủ các quốc gia thực sự đồng tình với nhau, thì đó chính là tiêu thụ thuốc lá dẫn đến những hậu quả tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội, và việc cấm sản xuất thuốc lá là hoàn toàn cần thiết.
Tất nhiên, đã có nhiều lập luận được đưa ra để biện hộ cho sự trì hoãn lệnh cấm. Trên thực tế, nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ, Chính phủ không thể phủ nhận những lợi ích mà ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá đóng góp cho ngân sách quốc gia, và những lợi ích này đủ 'sức nặng" để có thể khỏa lấp đi tác hại của thuốc lá. Như vậy, các quốc gia không sản xuất thuốc lá nhưng có tỷ lệ người dân hút thuốc cao sẽ có lý do để ban hành lệnh cấm mạnh mẽ hơn những quốc gia trồng và xuất khẩu thuốc lá nhưng tỷ lệ dân số hút thuốc thấp hơn.
Cuối năm 2022, tờ The Star đăng tải thông tin Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Kenya đã yêu cầu Tổng thống William Ruto cân nhắc quyết định ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc nhằm tăng cường xuất khẩu một số mặt hàng, trong đó có thuốc lá. Liên minh lo ngại rằng hiệp định này sẽ dẫn đến tình trạng mở rộng sản xuất thuốc lá vào thời điểm các cơ quan, tổ chức y tế đang nỗ lực khuyến khích những hộ nông dân trồng thuốc lá chuyển sang loại cây trồng khác.
Vấn đề tồn đọng
Một thông cáo báo chí được công bố sau cuộc họp thường niên của Hiệp hội người trồng thuốc lá quốc tế (International Tobacco Growers’ Association – viết tắt là ITGA) năm 2022 tổ chức tại Castelo Branco, Bồ Đào Nha, từ ngày 26 đến 29 tháng 10, cho biết, các thành viên của hiệp hội đang kêu gọi sự tham vấn từ các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu nhằm vẽ nên bức tranh tổng quan định hình hiện tại và tương lai của ngành sản xuất thuốc lá.
Chi phí sản xuất tăng vọt, kinh tế trì trệ, tác động của biến đổi khí hậu… là một số vấn đề đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Hiệp hội người trồng thuốc lá (ITGA), diễn ra vào tháng 10 năm 2022 ở Bồ Đào Nha.
(Ảnh: ITGA)
Đặc biệt, ITGA mong muốn có thể tham dự Phiên họp thứ 10 Hội nghị các bên tham gia (COP10) Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), dự kiến được tổ chức trong năm 2023 tại Panama. “Bằng cách ngăn cản nông dân trồng thuốc lá tiếp cận với các cuộc hội thảo, Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá đang hành động chống lại các quy tắc ứng xử của các tổ chức quốc tế và cả chính họ,” thông cáo báo chí nêu rõ, “Tập thể người trồng thuốc lá kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ hơn từ các đối tác để cùng nhau vượt qua thách thức chung. Thách thức đối với chi phí sản xuất và giá cả đình trệ trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh, nông dân cần sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan để nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách, bao gồm cả tác động của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và lao động trẻ em.”
Trên thực tế, đây chỉ là một phần của những trở ngại mà ngành sản xuất thuốc lá đang phải đối mặt. Lướt qua các báo cáo từ khắp nơi trên thế giới, người đọc có thể nhận ra một số vấn đề đã tồn tại từ lâu, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt lao động hoặc phải sử dụng người lao động cao tuổi tại các nông trại trồng thuốc lá ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, thách thức vô cùng to lớn chính là những chuyển biến bất lợi của thị trường tiền tệ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng của các cơn bão... Như thường lệ, các quy định của chính phủ được đưa ra một cách gián tiếp - thông qua nỗ lực giảm tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp - mặc dù không phải tất cả các quy định này đều tiêu cực. Thú vị ở chỗ, dường như có rất ít mối lo ngại xung quanh các động thái của chính phủ Hoa Kỳ đối với kế hoạch giảm thiểu nồng độ nicotin trong thuốc lá, có lẽ đại đa số cho rằng đây là một kế hoạch bất khả thi, hoặc nếu có triển khai đi chăng nữa thì cũng sẽ xảy ra ở một thì tương lai xa.
Ít nhất 400 ha thuốc lá bị hư hại ở Zimbabwe sau khi nông dân sử dụng hóa chất giả tưới tiêu cho cây trồng của họ.
(Ảnh: Taco Tuinstra)
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nảy sinh không thể kiểm soát, có thể kể đến đại dịch Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn rủi ro, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành vận tải và hậu cần; Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và hóa chất nông nghiệp lên mức cao kỷ lục, dẫn đến việc sử dụng hóa chất giả gây hại cho mùa màng. Tại hội nghị ITGA, ông Graham Boyd, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Người trồng thuốc lá ở Bắc Carolina, nhận định rằng tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro của ngành nông nghiệp thuốc lá ở Mỹ hiện quá thấp.
Sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng
Có doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra giải pháp ứng phó với những thách thức của ngành. Tại Diễn đàn Toàn cầu về Thuốc lá và Nicotine vào tháng 11 năm 2022, công ty con của Pyxus International, Pyxus Agriculture Malawi (PAM), vinh dự nhận Giải thưởng Lá vàng ở hạng mục Doanh nghiệp dẫn đầu ESG (Môi trường - Xã hội và Quản trị: đây là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) vì ý thức trách nhiệm và nỗ lực thúc đẩy phát triển nhiên liệu ở Malawi. Họ tận dụng nguyên liệu gỗ còn sót lại từ hoạt động trồng rừng để sản xuất than sinh học. PAM có thể kiểm tra trên nền tảng Track and Trace (tạm dịch: Theo dõi và Kiểm soát) của công ty mẹ để đảm bảo bất kỳ loại gỗ nào được sử dụng trong quá trình sản xuất than đều có nguồn gốc bền vững.
Hiện tại, công ty PAM đã tạo được tiếng vang tại thị trường Malawi. Mùa hè năm ngoái, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức diễn đàn và mời đại diện PAM đến tham dự, chia sẻ những bước tiến doanh nghiệp đã đạt được trong quá trình đa dạng hóa và gia tăng giá trị danh mục sản phẩm. Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 34 Hiệp hội Thuốc lá Malawi (nay là Hội liên hiệp nông dân trồng thuốc lá tại Malawi).
Trả lời phỏng vấn cho tờ The Nyasa Times, ông Lobin Clarke Lowe – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát biểu, người trồng thuốc lá cần đa dạng hóa và gia tăng giá trị cho sản phẩm của họ, giống như trước đây họ đã từng tăng năng suất lao động và thu hoạch từ 1.000 kg/ha lên 1.800 kg/ha. Đây là một bước đi đúng đắn vì giải pháp cải thiện năng suất cho phép người trồng vừa duy trì sản xuất thuốc lá, vừa giải phóng đất để trồng các loại cây khác.
Ý tưởng gia tăng giá trị sản phẩm thật ra đã có từ lâu. Tuy nhiên, hiện thực hóa ý tưởng lại không mấy dễ dàng. Giữa năm 2022, báo Herald đưa tin chính phủ Zimbabwe đang triển khai Kế hoạch chuyển đổi chuỗi giá trị thuốc lá của quốc gia này thành một ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ đô la vào năm 2025. Kế hoạch được công bố vào cuối năm 2021, tập trung vào mục tiêu tăng sản lượng thu hoạch lên 300 triệu kg vào năm 2025, hỗ trợ những hộ nông dân nhỏ lẻ tháo gỡ khó khăn về vay vốn thông qua hình thức tín dụng chính sách xã hội.
(Trích nguồn: Tobacco Reporter)