(Ảnh: TTXVN - vietnamplus.vn)
Lợi dụng kẽ hở
Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt chốt kiểm soát được thành lập từ biên giới đến nội địa để kiểm soát người ra, vào địa bàn nhưng nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn liều lĩnh hoạt động.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang chia sẻ, thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Cục Quản lý thị trường vừa tập trung chống dịch nhưng không lơ là chống buôn lậu, không để An Giang là “điểm nóng” về buôn lậu.
Chính vì vậy, hiện nay hoạt động buôn lậu qua biên giới lẫn nội địa giảm 80%, không còn ngang nhiên thách thức như trước đây. Đặc biệt, thuốc lá cũng là mặt hàng trọng điểm được kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ từ tháng 1-3/2022, lực lượng quản lý thị trường An Giang đã phát hiện tạm giữ hơn 23.000 gói thuốc lá lậu, chủ yếu là Jet, Hero. Tuy nhiên, việc kiểm tra kiểm soát vẫn còn khó khăn bởi trước đây đối tượng buôn lậu thường đi thành đoàn nhưng nay đã xé lẻ nhằm đánh lạc hướng lực lượng chức năng.
Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu chủ yếu là xé lẻ, vận chuyển bằng xe khách, ô tô, xe máy và hàng hóa được cất giấu trong túi xách, cốp xe… Đáng lưu ý, tại các điểm bán, thuốc lá lậu thường cất giấu ở một điểm khác, khi có người mua mới lấy giao trực tiếp. Đây là khó khăn cho quản lý thị trường trong việc theo dõi, kiểm tra xử lý.
Giải pháp căn cơ
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, vừa gọn nhẹ, dễ vận chuyển lại đem đến lợi nhuận rất cao cho các đối tượng buôn lậu, thêm vào đó mức sống của người dân ở các địa bàn điểm nóng khá thấp, khiến họ sẵn sàng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Hơn nữa, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá vào Việt Nam.
Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây để họ không tiếp tay cho buôn lậu. Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với những đối tượng buôn bán, vận chuyển mà ngay cả người tiêu dùng cũng sẽ có thể bị phạt 3 triệu đồng, dù chỉ tàng trữ 1 bao thuốc lá nhập lậu.
Mức phạt tiền cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chống nạn thuốc lá nhập lậu. Trước đó, quy định tại điều 25, nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
Ô.Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của ngành. Tổng cục sẽ tham mưu với Ban chỉ đạo 389 và địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài, tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách. (Trích nguồn: TTXVN/vietnamplus.vn)