Quảng cáo liên kết

Quảng cáo liên kết 2

Tin tức

Hướng dẫn quy định về tăng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm, 60 giờ/tháng

Ngày 23/3/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội (“Nghị quyết 17”). Theo đó, Nghị quyết 17 đã quy định về trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm và số giờ làm thêm trong 01 tháng không quá 60 giờ.

Đến ngày 26/4/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (“LĐTB&XH”) ban hành Công văn số 1312/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 17 (“Công văn 1312”) với các nội dung đáng chú ý sau:

(i) Các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17 và khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 (“BLLĐ”).

(ii) Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 01 tháng kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2022.

(iii) Tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại BLLĐ và các văn bản hướng dẫn BLLĐ khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết 

(iv) Người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở LĐTB&XH theo quy định tại khoản 4 Điều 107 BLLĐ và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP khi tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 01 năm theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết

(v) Các quy định của Nghị quyết 17 được thực hiện cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.

Từ Nghị quyết 17 và Công văn 1312, quy định về thời giờ làm thêm của người lao động đã được điều chỉnh với các nội dung nổi bật sau:

2.1. Mở rộng điều kiện làm thêm đến 300 giờ/năm:

Trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 17 được ban hành, pháp luật về lao động chỉ ghi nhận trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm đến 300 giờ trong một năm trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 107 BLLĐ 2019, cụ thể như sau:

“Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.”

Tuy nhiên, đến nay, với Nghị quyết 17, trong năm 2022, bên cạnh trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 107 BLLĐ, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, người sử dụng lao động vẫn có thể sử dụng người lao động làm thêm đến 300 giờ/năm nếu:

- Người lao động đồng ý; và

- Người lao động không thuộc các trường hợp sau:

“a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;

b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

(Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17)

Như vậy, trong năm 2022, các doanh nghiệp dù không thuộc trường hợp tại Khoản 3 Điều 107 BLLĐ vẫn có thể sử dụng người lao động làm thêm giờ với tổng thời gian lên đến 300 giờ/năm và tối đa 60 giờ/tháng nếu thỏa thuận được với người lao động và những người lao động không thuộc các trường hợp được liệt kê tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17 nói trên.

2.2. Các lưu ý:

Khi tiến hành tăng giờ làm thêm, người sử dụng lao động cần lưu ý các vấn đề sau:

- Tiến hành ký kết các văn bản/danh sách/thỏa thuận để chứng minh sự đồng ý của người lao động đối với việc tăng giờ làm thêm.

- Thông báo: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày thực hiện việc tăng giờ làm thêm, người sử dụng lao động cần gửi Thông báo (theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV Nghị quyết 145/2020/NĐ-CP) về việc tăng thời gian làm thêm đến các nơi sau:

+ Sở LĐTB&XH cấp tỉnh/thành phố nơi tổ chức làm thêm giờ; và

+ Sở LĐTB&XH nơi đặt trụ sở chính nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác nơi tổ chức làm thêm giờ.

- Thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 17 là từ 1/4/2022, tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của Điều 1.1 Nghị quyết 17 quy định về việc tăng thời gian làm thêm khi có sự đồng ý của người lao động bắt đầu từ ngày 01/01/2022. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp cần đảm bảo tổng thời gian làm thêm bắt đầu từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 không quá 300 giờ.

- Đồng thời, trong giai đoạn áp dụng Nghị quyết 17, Sở LĐTBXH các tỉnh thành sẽ tăng cường kiểm tra/thanh tra công tác triển khai làm thêm giờ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng người lao động làm thêm giờ lớn. Do đó, người sử dụng lao động cần lưu ý để đảm bảo công tác thực hiện. (Trích nguồn: lexnovum.com.cn)