JTI thành lập GBSC vào năm 2020, tại thời điểm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. GBSC chịu trách nhiệm giải quyết nhiều mảng công việc điều phối, vận hành cho toàn bộ chi nhánh của JTI ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ, với mục đích cải tiến quy trình kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng và cắt giảm chi phí nhân công. Trong một cuộc phỏng vấn với Manila Bulletin Business, Tổng giám đốc JTI Philippines John Freda cho biết công ty sẽ thuê thêm 150 nhân sự, nâng tổng số nhân lực của trung tâm lên 600 người.
Mặc dù chưa công bố kế hoạch cụ thể, ông Freda cũng không loại trừ khả năng JTI sẽ sản xuất sản phẩm thuốc lá nung nóng “Ploom” tại nhà máy Philippines – nơi được xem là trung tâm sản xuất chủ lực của JTI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, thuốc lá Ploom đang được được sản xuất tại Nhật Bản và Châu Âu.
Nhà máy sản xuất thuốc lá của JTI ở Malvar, Batangas, xuất khẩu hơn 50% sản lượng chủ yếu sang 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhà máy tuyển dụng và đào tạo 800 nhân công cùng đội ngũ tiếp thị hơn 4.000 nhân sự trên khắp cả nước.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Freda bày tỏ mối quan ngại của mình về việc buôn bán thuốc lá bất hợp pháp ngày càng tăng ở Philippines, ước tính chiếm từ 16% đến 18% thị phần. Tại một số khu vực ở Mindanao, con số này có thể lên tới 60%.
Lấy dẫn chứng trường hợp của Malaysia như một lời cảnh báo, Freda kêu gọi chính phủ Philippines đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu và áp dụng các mức thuế hợp lý đối với thuốc lá.
“Chúng tôi đang chịu PHP55 [$ 0,94] thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi gói thuốc, trong khi thuốc lá lậu lại tránh được trách nhiệm đóng thuế. Thậm chí, khi các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp buộc phải tăng giá do thuế, thuốc lá lậu lại càng được lợi hơn” – Ông Freda ý kiến.
(Trích nguồn: Tobacco Reporter và Tobacco Assia)