Quảng cáo liên kết

Quảng cáo liên kết 2

Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân và người lao động

Sáng 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang sau khi dành hơn một giờ thăm gia đình lao động trẻ, xóm trọ, khu nhà ở xã hội công nhân. Chương trình được kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành và trụ sở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Buổi đối thoại diễn ra cởi mở và kéo dài hơn 40 phút so với dự kiến do nhận được nhiều câu hỏi từ phía công nhân. Thủ tướng chỉ đạo đại diện các bộ, ban, ngành cùng trả lời.

Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng thông báo với công nhân và nhận được tràng pháo tay của hàng nghìn người khi nghe thông tin Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo đó từ ngày 1/7, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Mức lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp không được áp dụng thấp hơn mức này.

Dưới đây là trích dẫn một số nội dung tiêu biểu đã được Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành lắng nghe và giải đáp cho công nhân tại buổi đối thoại.

Làm gì để xử lý tình trạng tín dụng đen bủa vây công nhân?

Thời gian qua, rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen, đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để không phải đi vay nặng lãi.

Vấn đề này được Thủ tướng yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an trả lời. Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận có nhiều bất cập xung quanh tín dụng đen. Để giải quyết, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày bằng cách tăng cường hệ thống cung ứng dịch vụ cho vay tiêu dùng đến mọi đối tượng.

Theo ông Tú, có hai công ty tài chính là Fecredit của VP bank và HD Saigon của HD Bank, mỗi ngân hàng đã cam kết có gói 10.000 tỷ đồng, sẽ cho vay với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty đang cho vay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân ở khu công nghiệp, nhà máy. Ông mong có sự phối hợp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để việc cho vay thuận tiện, đúng đối tượng, quản lý sử dụng để công nhân có thể trả được nợ.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, cho biết tội phạm vi phạm tín dụng đen hoạt động tinh vi, núp bóng, tạo vỏ bọc doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, cho vay không thế chấp, có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội... Qua đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện có nơi lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí 700-1.000%/tháng.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú giải đáp kiến nghị liên quan đến tín dụng đen (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thiếu nhà ở cho công nhân

Anh Nguyễn Đình Biên ở Nghệ An trăn trở hiện nay công nhân còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở và trường học cho con cái, mong Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, trường học, khu vui chơi, văn nghệ cho công nhân.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Thủ tướng đã rất quan tâm thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có 122 dự án với 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, con số này mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ hoàn thiện thể chế, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở công nhân, khu công nghiệp phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh tùy tình hình thực tế bố trí các quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đề nghị sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cho công nhân sau đại dịch

Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty Toto Việt Nam, TP Hà Nội) đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19; chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, nhiều chính sách chưa có tiền lệ, được ban hành nhanh nhất và triển khai hiệu quả nhất. Theo ông Dung, các chính sách đã bao phủ tương đối rộng rãi. Công nhân, con em bị ảnh hưởng Covid-19 được quan tâm, các cháu mồ côi cha mẹ đều có chính sách riêng. UNICEF đánh giá Việt Nam là một trong những nước chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới. Trẻ em có mẹ F1, F0, phụ nữ, người cao tuổi đều có chính sách hỗ trợ.

Về chính sách nhà ở, hiện chỉ có Điện Biên, Lai Châu không có công nhân cần hỗ trợ. Qua tập hợp 61 tỉnh thành, có khoảng 3,4 triệu lượt người sẽ được hỗ trợ, với hai nhóm gồm những người kiên trì bám trụ sản xuất (1/2-30/6), người quay trở lại (1/4-30/6).

Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Nghiên cứu giảm dần số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, 40 tuổi, ở Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP HCM, nêu thực trạng hiện nay Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi. Chị đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Những năm gần đây xuất hiện tình trạng người dân đi rút bảo hiểm xã hội một lần, gây hệ lụy lâu dài đối với người lao động. Do đó, phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động, đồng thời sửa đổi Luật Bảo hiểm với 11 nhóm chính sách mới, năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội.

"Chính sách mới sẽ giảm dần số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Dự thảo luật sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận được, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được", ông Dung nói.

Bên cạnh đó, công nhân cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét tăng thêm cơ sở khám chữa bệnh và nghiên cứu chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Thủ tướng đã đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát chính sách để sớm có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho công nhân từ sớm, từ xa và ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất cho các chính sách đào tạo nâng cao tay nghề người lao động.

Công nhân, người lao động tham dự đối thoại với Thủ tướng Chính phủ

(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cuối phiên đối thoại, Thủ tướng cho biết thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động, rà soát chính sách, bổ sung sửa đổi cho hoàn thiện; chú ý tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

(Trích nguồn: vnexpress.net và baochinhphu.vn)