Kiến nghị này được đưa ra sau khi chính phủ Việt Nam phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, đặt ra quy trình chuyển đổi từ phương thức tính thuế theo giá trị gia tăng sang phương thức thuế kết hợp đối với các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có thuốc lá.
(Ảnh minh họa, nguồn: Tobacco Reporter)
Theo ý kiến của các chuyên gia tư vấn thuế, phương án đơn giản và khả thi nhất chính là áp dụng phương thức đánh thuế hỗn hợp - kết hợp giữa thuế suất tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối. Trong một báo cáo gần đây có tiêu đề “Nghiên cứu về hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt”, PwC Việt Nam nhận định cách tính thuế hỗn hợp là “Hướng đi đúng đắn phù hợp với xu hướng chung trên thế giới”.
Trang EIN News vừa qua đã đăng tải thông tin chính phủ Việt Nam bị thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng/năm do tình trạng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt trong hai năm 2016 và 2017.
Bài báo cho biết tổng thất thu thuế do tiêu thụ thuốc lá nhập lậu đã lên tới gần 9% tổng nguồn thu từ thuế thuốc lá, và cơ chế thu thuế thuốc lá không thay đổi trong giai đoạn 2006-2020, cho dù đã xảy ra lạm phát.
Trên cơ sở phân tích chính sách thuế TTĐB hiện hành tại Việt Nam, mục tiêu của chính phủ và chính sách thuế của các quốc gia tương đương, PwC Việt Nam đã khuyến nghị một số phương án cải cách thuế TTĐB theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn.
Phương án thứ nhất là áp dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp, sau đó tăng dần mức thuế tuyệt đối (được quy định bằng số tiền tính trên một đơn vị hàng hóa chịu thuế) và giảm dần tỷ lệ thuế suất theo tỷ lệ (được tính bằng một tỉ lệ phần trăm trên một đơn vị giá trị đối tượng chịu thuế), trong tương lai, xem xét chuyển hẳn sang phương thức đánh thuế tuyệt đối khi thấy phù hợp.
Phương án thứ hai là áp dụng phương pháp đánh thuế tuyệt đối theo biểu thuế lũy tiến, sau đó loại bỏ dần các bậc để chuyển đổi thành thuế tuyệt đối đơn bậc (chỉ có một mức thuế tuyệt đối).
Đưa ra góc nhìn khách quan từ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tại nhiều quốc gia trên thế giới, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam cho biết thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đó là: cơ cấu thuế tương đối theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam
(Nguồn: Tạp chí điện tử VnEconomy).
Phân tích ưu nhược điểm từng phương thức, Tổng Giám đốc PwC cho rằng phương thức thuế tính theo tỉ lệ phần trăm có ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng cách tính thuế này không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng thì giá thành sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế.
Chính vì thế, bà Vân kiến nghị: “Cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý”.
Đồng thời, theo bà Vân, cần tăng thuế từ từ, có lộ trình dài hạn, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỉ lệ lạm phát. Đặc biệt, cần lưu ý bài học từ một số nước như Malaysia, Hàn Quốc, Anh, Đức,… sau khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, khiến ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chính sách thuế phải bảo đảm giúp cho doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp duy trì và phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao hơn. Vì vậy, song song với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, phải hạn chế và quyết liệt đẩy lùi nạn buôn lậu. Tổ chức đo lường Chỉ số Thuốc lá Bất hợp pháp Châu Á công bố, năm 2017, hơn 24,3 tỷ điếu thuốc lá bất hợp pháp đã được tiêu thụ ở Việt Nam, chiếm 23,4% tổng lượng tiêu thụ thuốc lá tại quốc gia này.
(Nguồn: Tổng hợp từ website Tobacco Reporter và Tạp chí điện tử VnEconomy)