Nhằm ứng phó với lạm phát, các nhà hoạch định chính sách cho rằng đã đến lúc chính phủ rút dần các gói hỗ trợ, bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian dài nỗ lực giữ ổn định lãi suất để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Hoạt động kinh tế của các quốc gia đang trong tình trạng bị kìm hãm hoặc tăng trưởng chậm. Các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, “sức khỏe” kinh tế thế giới trong tương lai gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ hiệu quả của các chính sách tiền tệ, tiến trình xung đột ở Ukraine, và khả năng dự đoán những sự đảo lộn của chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra do dịch Covid-19 gây gián đoạn các hoạt động thương mại, đơn cử như tình trạng hiện tại ở Trung Quốc.
Trong hai năm qua, chính phủ các quốc gia đã in một lượng lớn tiền để đối phó với tác động của suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19. Kết quả là lạm phát, đặc biệt là ở các nước phương Tây như Mỹ, đã tăng lên mức gần kỷ lục.
Giá năng lượng cao lại xảy ra đúng vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi. Gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu, tăng giá dầu và khí đốt đồng nghĩa với việc giá tất cả mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao. Các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh mẽ của phương Tây đối với Nga có thể dẫn đến đứt gãy thêm kết nối thương mại, bao gồm cả các liên kết năng lượng quan trọng giữa Nga và châu Âu, kéo dài tác động bất lợi đối với đầu tư xuyên biên giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng trầm trọng hơn.
Đầu tháng 10 năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức 6.0% vào năm 2021 xuống 3.2% vào năm 2022 và tiếp tục giảm còn 2.7% trong năm 2023. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001 đến nay (không tính cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khoảng thời gian dịch bệnh COVID 19 bùng phát) - phản ánh thực trạng nhiều nền kinh tế lớn mạnh có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023: GDP của Hoa Kỳ giảm trong nửa đầu năm 2022, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục đình trệ vào nửa cuối năm 2022 và đợt lây nhiễm COVID-19 buộc các nhà chức trách Trung Quốc tăng cường lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực, đồng thời quốc gia này còn phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản. Một phần ba nền kinh tế thế giới trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Lạm phát toàn cầu tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022, nhưng dự kiến giảm xuống còn 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn đã được điều chỉnh giảm mạnh so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022, cụ thể dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%, khu vực đồng Euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%, Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%, Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%. Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,4% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022), Philippines đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), Singapore đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm), Malaysia đạt 6,0% (giữ nguyên), Việt Nam đạt 6,5% (giữ nguyên).
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và kinh tế giảm tốc tại các nền kinh tế lớn. Phát biểu tại Hội nghị Reuters NEXT ngày 1-12, bà Georgieva cho biết, các chỉ số đánh giá gần đây cho thấy nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, ở dưới mức 2%.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong năm nay. IMF dự báo mức tăng trưởng là 3,2% trong 2022 và 4,4% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình hằng năm là 6,7% từ năm 2015 đến năm 2019. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nếu Trung Quốc – nhà sản xuất và chi tiêu lớn nhất thế giới – tăng chậm lại. Bà Kristalina Georgieva lưu ý, khoảng 30% –45% tăng trưởng toàn cầu là nhờ vào Trung Quốc nhưng trong năm 2022 và 2023, Trung Quốc sẽ không thể đóng góp ở mức này.
Một điểm sáng là Trung Quốc đã có dấu hiệu gỡ bỏ các hạn chế phòng ngừa COVID–19 và đang thực hiện từng bước để mở cửa hoàn toàn vào quý II/2023. Bà Selena Ling – Kinh tế trưởng tại Ngân hàng OCBC – lưu ý, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Á. Mặc dù thương mại giữa Trung Quốc và khu vực vẫn duy trì ổn định trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sẽ giúp thúc đẩy tâm lý thị trường và niềm tin cho khu vực. Đại diện Chứng khoán TPS cho rằng, Trung Quốc nới lỏng Zero-Covid được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn.
Triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam lần lượt là 7,5% và 7%. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2023 sau khi ghi dấu sự ổn định vào cuối năm 2022, với nhiều chỉ số vĩ mô tươi sáng trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất định.
Ổn định vào cuối năm 2022
Thị trường tài chính Việt Nam chuyển biến tích cực trong vài tuần cuối cùng của năm 2022, căng thẳng tỷ giá được giải quyết gần như dứt điểm, lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Thị trường trái phiếu lùi bước để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trong hơn hai tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND giảm rất nhanh. Đồng USD giảm gần 4,8% so với mức đỉnh ghi nhận hôm 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.700 đồng/USD hôm 15/12.
Khi đồng VND mạnh lên, dòng vốn quốc tế sẽ đảo ngược mạnh mẽ, chảy mạnh hơn vào Việt Nam.
Sáng 16/12, lần đầu tiên trong 3 tháng rưỡi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã niêm yết trở lại giá chào mua USD ở 23.450 đồng/USD, sau khi ngừng công bố giá mua tại hội sở NHNN từ cuối tháng 8/2022. Tín hiệu rõ ràng rằng, NHNN sẽ mua vào đồng USD (sau khi đã bán USD ra để ổn định tỷ giá trong thời gian trước đó).
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể được cải thiện trong năm 2023, từ mức 89 tỷ USD hiện tại lên 102 tỷ USD vào cuối năm. NHNN đã bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong tháng 10/2022.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình vĩ mô ổn định như hiện tại, hôm 5/12, NHNN đã nâng chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5-2%, qua đó sẵn sàng bơm thêm khoảng 240 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Số tiền này góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.
Với nhiều chuyên gia, việc đồng USD giảm mạnh và NHNN mua USD là một tín hiệu tốt. Điều đó cho thấy Việt Nam đang quay trở về với thời kỳ "bơm tiền" ra để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế.
Bà Thái Thị Việt Trinh - chuyên viên phân tích vĩ mô đến từ SSI Research, cho rằng, việc NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đang cấp thiết vào cao điểm cuối năm. Trong đó, dòng vốn được kỳ vọng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Động thái này cho thấy chính sách linh hoạt của NHNN để giải quyết vấn đề thanh khoản ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát, sau những sự kiện gây xáo trộn các cân đối vĩ mô trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, việc nới tín dụng ngay đầu tháng cũng sẽ giúp NHTM và các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ và nguồn vốn sớm hơn để giải ngân, tránh bị lặp lại tình trạng như cuối năm 2021 (và là một trong những lý do khiến tín dụng tăng mạnh ngay trong tháng 1/2022).
Triển vọng kinh tế 2023
Hôm 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.
Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,3% do nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn nhất đang suy yếu. Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, dự đoán các quốc gia khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Đại diện ADB cho rằng, thách thức đối với Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng mang lại hy vọng tích cực đối với Việt Nam. WB thừa nhận, đồng USD yếu đi giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá.
Trước đó, bà Pemba Tshering Sherpa, phụ trách truyền thông IMF, cho rằng, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức, nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt khoảng 5,8%.
Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản 2, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Thị trường chứng khoán được dự báo khả quan. Theo ACBS, triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, đặc biệt nửa sau của năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023.
Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, nửa đầu 2023, thị trường chứng khoán có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí... Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.
Một số mục tiêu kinh tế năm 2023
Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu chính được xác định: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. CPI tăng bình quân khoảng 4,5%.
(Nguồn: Biên dịch và tổng hợp thông tin từ các website: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổng cục Thống kê Việt Nam, Báo Lao động, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử Vietnam net)