Dưới đây là tổng hợp các ý kiến, phản ứng trái chiều xung quanh lệnh cấm này.
(Ảnh: MGN, wwaytv3.com)
Quỹ hành động Vì trẻ em không thuốc lá đã hoan nghênh động thái này. “Đề xuất ban hành lệnh cấm thuốc lá có tinh dầu bạc hà và tất cả các loại xì gà có hương liệu của FDA thực sự là một bước ngoặt lịch sử đã bị trì hoãn quá lâu trong kế hoạch bảo vệ trẻ em trước tác hại của thuốc lá, nâng cao công bằng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác hại khôn lường từ chiêu trò tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến người Mỹ da đen”, trích nội dung trong một tuyên bố gần đây của tổ chức này.
Tổ chức Vì một thế giới không khói thuốc (FSW), được tài trợ bởi tập đoàn Philip Morris International, cho biết động thái của FDA có thể được xem như một trong những bước tiến quan trọng nhất trong cuộc chiến chấm dứt đại dịch hút thuốc ở Hoa Kỳ. “Thuốc lá bạc hà được người Mỹ gốc Phi sử dụng quá nhiều và việc cấm bán chúng sẽ giúp thúc đẩy “công bằng sức khỏe” bằng cách giảm đáng kể sự chênh lệch trong việc sử dụng thuốc lá”
“Hút thuốc là nguyên nhân gây tử vong có thể phòng ngừa đứng hàng đầu ở Mỹ. Người Mỹ gốc Phi tiêu thụ thuốc lá có tinh dầu bạc hà với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các sắc tộc khác. FDA dẫn kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy nếu thuốc lá bạc hà không còn xuất hiện trên thị trường, số người hút thuốc và tử vong do thuốc lá sẽ giảm đáng kể ở Hoa Kỳ”
Tập đoàn 22nd Century Group cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm tinh dầu bạc hà do FDA đề xuất, họ hy vọng sản phẩm mới ra mắt hồi tháng 4 vừa qua - VLN Menthol King với cam kết giảm thiểu nồng độ nicotine sẽ tránh được lệnh cấm của FDA. Vào ngày 23 tháng 12 năm 2021, FDA cho phép nhãn hiệu VLN Menthol King của Tập đoàn 22nd Century Group triển khai các hoạt động truyền thông tiếp thị sau khi thông qua cuộc kiểm duyệt chứng nhận sản phẩm thuốc lá cải tiến giảm rủi ro (giảm thiểu phơi nhiễm của cơ thể với chất độc hại).
“Loại bỏ tinh dầu bạc hà khỏi các sản phẩm thuốc lá gây nghiện là một quyết định sáng suốt của FDA nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi hoan nghênh kế hoạch này,” dẫn lời John Pritchard, Phó Chủ tịch Khoa học - Pháp lý của 22nd Century Group.
22nd Century Group tin chắc nhãn hiệu VLN Menthol King sẽ nằm ngoài lệnh cấm từ FDA
Ở chiều hướng ngược lại, British American Tobacco (BAT) cho biết họ đang xem xét nội dung các quy định trong kế hoạch được FDA đề xuất và sẽ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy tắc bằng cách gửi kiến nghị cho FDA dựa trên cơ sở khoa học vững chắc.
Giám đốc Tiếp thị BAT, Kingsley Wheaton phát biểu “Chúng tôi dám khẳng định còn nhiều cách hiệu quả hơn để giảm tác hại của thuốc lá thay vì cấm tinh dầu bạc hà.” “Bằng chứng là nhìn vào các thị trường khác, bao gồm Canada và EU, có thể thấy rõ tình hình tiêu thụ thuốc lá nói chung ít bị tác động bởi các lệnh cấm tương tự”, “Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy không có sự khác biệt nào về rủi ro sức khỏe liên quan đến thuốc lá chứa tinh dầu bạc hà so với thuốc lá không chứa tinh dầu bạc hà, cũng như không có số liệu cụ thể chứng minh thuốc lá có tinh dầu bạc hà ảnh hưởng xấu đến việc bắt đầu, phụ thuộc hoặc ngừng hút thuốc.”
Dự kiến phải mất ít nhất một năm lệnh cấm thuốc lá bạc hà mới có hiệu lực và có thể phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Một phát ngôn viên của Altria Group, chủ sở hữu Philip Morris USA, chiếm khoảng 9% thị phần thuốc lá bạc hà tại Mỹ, cảnh báo rằng việc cấm thuốc lá bạc hà sẽ đẩy các sản phẩm này vào thị trường ngầm bất hợp pháp rất khó kiểm soát và gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.
Trong một thông cáo báo chí gần đây, Swisher, công ty nổi tiếng với sản phẩm xì gà Swisher Sweets, tuyên bố họ sẽ tiếp tục kinh doanh như bình thường. “Kế hoạch của FDA chỉ mới ở giai đoạn đề xuất và phải trải qua quá trình phê duyệt kéo dài trước khi chính thức trở thành luật, nếu có thể.” Người phát ngôn của Swisher cũng nhấn mạnh, có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ lệnh cấm hương liệu trong xì gà; đồng thời họ đã lên kế hoạch phản đối kịch liệt lệnh cấm này bằng các dữ liệu khoa học thuyết phục. (Trích nguồn: tobaccoreporter.com)