Theo nhận định của Thường vụ Quốc hội, năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, lạm phát có thể tăng cao, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Trong khi đó, tín dụng, nợ xấu, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 8-8,5% đã đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Chính phủ cần ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.
Chính phủ cần đề ra giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa, lưu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, Chính phủ cần nghiên cứu, cơ cấu lại nền kinh tế, cân đối hài hòa giữa vấn đề kinh tế và xã hội, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Thường vụ Quốc hội đề nghị bám sát diễn biến xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, động thái chính sách của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn; kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; quản lý nợ xấu, có giải pháp bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh. (Trích nguồn: vnexpress.net)