Tuy nhiên, vài năm trước, tập đoàn BAT chính thức thông báo các sản phẩm mang nhãn hiệu Natural American Spirit và Pall Mall của họ sử dụng chất liệu bao bì thân thiện với môi trường. Sau đó, vào năm 2020, BAT tiếp tục thông cáo báo chí, cho biết toàn bộ thiết kế bao bì nhựa được làm từ vật liệu có thể tái chế. Có vài nguồn thông tin nhận định "gã khổng lồ" PMI cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự.
Người tiêu dùng thường đánh đồng thuật ngữ “thân thiện với môi trường” và “100% không gây hại cho môi trường”. Đó là một quan niệm sai lầm. Ngay cả một sản phẩm gắn mác thân thiện với môi trường cũng sẽ tạo ra lượng khí thải carbon nhất định trong quá trình sản xuất; thành phần cấu tạo nên vật liệu tái tạo cũng tồn tại một tỷ lệ nhất định hợp chất không thể tái tạo. Hơn nữa, một vật liệu được tuyên bố "có thể tái chế" không có nghĩa rằng trên thực tế, nó sẽ được tái chế. Theo ý kiến của chúng tôi - thuật ngữ “phân hủy sinh học” cũng đang bị lạm dụng quá mức. Hầu hết các chế phẩm không chỉ đơn giản được ném vào đống phân ủ ở sau vườn nhà và trở thành phân ủ hữu cơ, mà phải được thu gom và ủ trong một cơ sở công nghiệp chuyên biệt theo đúng kỹ thuật và điều kiện kiểm soát. Vì vậy, chỉ một phần rất nhỏ rác thải tự phân hủy thực sự được xử lý theo quy trình; phần lớn còn lại nằm tại các bãi chôn lấp hoặc trong lò đốt cùng với tất cả các chất thải không thể phân hủy khác.
Ở một khía cạnh khác, bao bì thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng hoàn thành đúng chức năng như mong đợi. Ví dụ, trong trường hợp các sản phẩm như thuốc lá điếu hoặc thuốc lá nguyên liệu, bao bì không chỉ có chức năng bảo vệ hàng hóa không bị tác động trong quá trình vận chuyển và ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường (ví dụ: độ ẩm, quá trình oxy hóa…) để kéo dài thời hạn sử dụng mà còn phải bảo quản được mùi vị và hương thơm của điếu thuốc - vốn rất dễ bị biến đổi. Một thùng giấy carton C-14 hoàn toàn có thể được làm từ vật liệu tái chế và không sử dụng hóa chất tẩy trắng, nhưng nó vẫn cần một lớp màng nhựa bọc lót bên trong để bảo vệ sản phẩm. Do đó, ngay cả trong những trường hợp lý tưởng nhất, tính thân thiện với môi trường thường là sự cân bằng giữa vật liệu tái chế, phân hủy sinh học với vật liệu không thể tái chế, không thể phân hủy. Tuy nhiên, mỗi bước hướng đến mục tiêu thân thiện với môi trường đã là một bước đi đúng đắn.
“Tất cả các ngành công nghiệp sản xuất – và thuốc lá cũng không ngoại lệ – đang tích cực nghiên cứu giải pháp bảo tồn tài nguyên sản xuất, giảm thiểu chất thải và chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, mục tiêu là phát triển bền vững và dần loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”, trích lời bà Alicia Crane, Giám đốc sản phẩm tại tập đoàn Innovia Films. “Điều quan trọng là kế hoạch thay đổi vật liệu bao bì phải được xây dựng dựa trên dữ liệu nghiên cứu khoa học.” Như hàng loạt những doanh nghiệp khác, Innovia Films triển khai công cụ phân tích vòng đời sản phẩm (LCA) để phân tích các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho tới khi sản phẩm được sử dụng và tạo thành các loại chất thải.
Bà Alicia Crane, Giám đốc sản phẩm – Tập đoàn Innovia Films
(Ảnh: Innovia Films)
Bà Crane nói thêm, nhiều công ty thuốc lá ngày nay yêu cầu các nhà cung cấp nguyên phụ liệu tham gia dự án công khai tác động của khí thải carbon (CDP), chẳng hạn như “EcoVadis”. Giám đốc Alicia Crane khẳng định: “Cả hiệu suất phát triển bền vững của sản phẩm và doanh nghiệp đều quan trọng trong ngành thuốc lá, vì thời gian đần đây, điểm ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) của các công ty đã bắt đầu tác động đến giá trị cổ phiếu".
Giấy bóng kính, giấy nhôm là những thành phần chính cấu tạo nên bao bì thuốc lá (và rộng hơn là bao bì của tất cả sản phẩm liên quan đến thuốc lá). Thế nhưng giấy vấn, giấy nhãn và thùng carton được cho là chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều nếu xét về tổng thể. Không ai biết rõ điều đó hơn một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất thế giới cho lĩnh vực sản xuất thuốc lá, tập đoàn Indonesia Bukit Muria Jaya, tên viết tắt là BMJ. Giám đốc khu vực của BMJ, Eko Setiawan, trực tiếp xác nhận với Tobacco Asia rằng đã được một số công ty – cả trong và ngoài nước – tiếp cận với các yêu cầu liên quan đến vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường. Tuy vậy, ông Setiawan cảm thấy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá cần thận trọng hơn trong vấn đề này, bởi lẽ “nhu cầu về bao bì thân thiện với môi trường, cụ thể đối với sản phẩm thuốc lá, nhìn chung không cao bằng nhu cầu đối với các sản phẩm khác”.
Ông Eko Setiawan – Giám đốc khu vực – tập đoàn BMJ
Phần lớn lời đề nghị nghiên cứu và phát triển bao bì "xanh" là từ các doanh nghiệp thuốc lá châu Âu. Tuy nhiên, ông Setiawan cho rằng doanh số tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường hầu như không có sự tăng trưởng trong những năm qua. Sự đình trệ đó là do cơ chế quản lý và chính sách bảo vệ môi trường ở các khu vực và quốc gia khác nhau. “Ví dụ, sự khác biệt trong nhận thức bảo vệ môi trường giữa các quốc gia ở Châu Âu và Châu Á đóng một vai trò rất lớn”. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày càng nhiều đạo luật cấm đồ nhựa và chống lại biến đổi khí hậu, thì hầu hết các nước châu Á đều tụt lại phía sau rất xa. Do đó, bao bì sản phẩm thuốc lá thân thiện với môi trường không nằm trong kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp châu Á.
Mặc dù nhu cầu lựa chọn bao bì thân thiện với môi trường vẫn còn tương đối yếu vào thời điểm này, Giám đốc Setiawan dự đoán con số ấy sẽ sớm tăng lên vì “hầu hết các công ty thuốc lá đã và đang tập trung phát triển sáng kiến ESG thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.
(Nguồn: Tạp chí Tobacco Asia)